Chống mài mòn thiết bị máy móc.

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

Làm nguội trái đất bằng bụi thiên thạch.

Tạo ra một đám mây bụi trong không gian để ngăn chặn bức xạ mặt trời tới trái đất là ý tưởng mà các nhà khoa học Scotland đề xuất để chống biến đổi khí hậu.

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự báo, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 6,4 độ C. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu lượng bức xạ mặt trời tới trái đất giảm 1,7% thì nhiệt độ trung bình trên hành tinh xanh sẽ giảm 2 độ C.
Đám mây bụi

Thay vì chống biến đổi khí hậu bằng các hoạt động bảo vệ đại dương hay bầu khí quyển, một bộ phận giới nghiên cứu đề xuất ý tưởng tác động tới nhiệt độ địa cầu từ không gian. Vài người đưa ra ý tưởng đặt một chiếc gương khổng lồ trong không gian làm tấm chắn cho trái đất, giúp hành tinh tránh khỏi những ảnh hưởng xấu từ mặt trời. Tuy nhiên, chi phí cho ý tưởng đó là khá lớn và việc lắp đặt cũng như vận hành chúng trong vũ trụ cũng vô cùng phức tạp.

Một lựa chọn khác là sử dụng các “tấm chắn bụi” để giảm bớt bức xạ từ mặt trời, nghĩa là tạo ra các đám mây bụi bên ngoài vũ trụ cho trái đất. Ưu điểm của phương án này là quy trình thực hiện đơn giản hơn so với lắp các tấm gương. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại các đám mây sẽ phân tán theo thời gian bởi bức xạ mặt trời và lực hấp dẫn của mặt trời, mặt trăng cũng như các hành tinh khác.
Vì vậy, Russell Bewick – một nhà khoa học của Đại học Strathclyde tại Scotland – cho rằng, thay vì tạo ra một đám mây bụi trôi nổi trong vũ trụ, con người có thể lợi dụng lực hấp dẫn của một tiểu hành tinh để cố định đám mây bụi cố định tại một vị trí trong không gian. Nhờ đó đám mây thể ngăn chặn ánh sáng mặt trời và làm giảm nhiệt độ trên trái đất, Livescience cho biết.

“Giải pháp tạo đám mây bụi không phải là một phương án dài hạn nhưng nó có thể ngăn cản tác động của biến đổi khí hậu trong một thời gian nhất định và hỗ trợ các biện pháp khác. Nhờ nó mà chúng ta có thêm thời gian để tìm kiếm giải pháp hoàn hảo nhằm ngăn chặn hiện tượng ấm lên của địa cầu”, Bewick phát biểu.

Theo Bewick, một tiểu hành tinh sẽ được đặt tại điểm Lagrange L1, vị trí mà lực hấp dẫn của mặt trời và của trái đất bù trừ lẫn nhau. Ông và các đồng nghiệp muốn gắn những nam châm khổng lồ cực mạnh vào tiểu hành tinh. Các nam châm chẳng những đẩy tiểu hành tinh tới điểm Lagrange L1 mà còn thổi bụi từ bề mặt tiểu hành tinh ra ngoài để tạo thành đám mây.

1036 Ganymed, tiểu hành tinh gần trái đất có kích thước lớn nhất, có thể duy trì một đám mây bụi đủ lớn để ngăn chặn 6,58% bức xạ mặt trời tới trái đất, tỷ lệ đủ để chống lại mọi xu hướng nóng lên toàn cầu hiện nay. Khối lượng của đám mây bụi đó lên tới khoảng 5.000 tỷ tấn và có chiều rộng khoảng 2.600 km.

Thách thức lớn nhất của dự án là việc đẩy được một tiểu hành tinh lớn như Ganymed tới điểm L1 giữa mặt trời và trái đất.

“Một nghiên cứu của công ty Planetary Resources cho thấy chúng ta chỉ có thể thực hiện dự án với một tiểu hành tinh có khối lượng 500 tấn vào năm 2025. Như vậy, việc thực hiện dự án với tiểu hành tinh Ganymed có vẻ không khả thi. Tuy nhiên, việc đưa các tiểu hành tinh nhỏ hơn tới điểm L1 là điều có thể”, Bewick nói.

Mặt khác, dự án có thể đe dọa tới sự an toàn của trái đất. Theo Bewick, một tiểu hành tinh lớn là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với địa cầu.

“Do đó, nếu chúng tôi thực hiện dự án này, hoạt động kiểm tra thường xuyên phải được ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, chúng tôi chưa có cách nào để thử nghiệm hiệu quả của dự án trên quy mô lớn”.
Nguồn: Vnexpress
Chia sẻ:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Hướng dẫn thi công